Cho rằng sắc thuế tài sản hiện chưa phù hợp nên Bộ Tài chính muốn có Luật thuế riêng, đặc biệt nhắm vào các tài sản lớn như nhà, đất, nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản (BĐS).
Việt Nam hiện có nhiều chính sách thuế liên quan đến tài sản, cụ thể là BĐS như: Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập doanh nghiệp/cá nhân từ BĐS, phí trước bạ...). Song, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế với tài sản hiện chưa đáp ứng vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, cơ quan này vừa có một báo cáo chuyên đề để cho thấy việc cần thiết phải xây dựng một Luật Thuế tài sản riêng, góp phần quản lý sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế đầu cơ BĐS.
Hướng đánh thuế nhà và đất giá trị lớn nhằm hạn chế đầu cơ BĐS và tăng hiệu quả nguồn thu đang được Bộ Tài chính cân nhắc.Trong báo cáo này, Bộ Tài chính đề cập tới xu hướng cải cách thuế tài sản ở một số nước như Australia, Canada, Malaysia mà theo đó đang có hướng đánh thuế tài sản giá trị lớn và mở rộng đối tượng thu thuế.
Báo cáo nhấn mạnh: Việc đánh thuế tài sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản.
Theo cơ quan này, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (năm 2020). Dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên nên Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản để hạn chế đầu cư và sử dụng BĐS lãng phí.
Hơn nữa, số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng đây cũng là một bất cập. Tại các nước trên thế giới, thu từ thuế sử dụng đất là nguồn chủ yếu của ngân sách. Đơn cử tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, thu từ thuế tài sản chiếm 2% nguồn thu quốc gia. Tại Canada tỷ lệ này là 4% và tại Mỹ là 1-3%. Ở các nước phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% với các quốc gia đang chuyển đổi.
Bộ tài chính cho biết, thuế tài sản được các nước đánh giá là thuế trực thu có khả năng động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì đánh vào những tài sản cụ thể, nhất là nhà và đất.
Như vậy, dù không trực tiếp nêu các phương án đánh thuế cụ thể, song Bộ Tài chính đã nhiều lần hé lộ giải pháp áp thuế với BĐS thứ hai trở đi của người dân. Cuối năm ngoái, một đại diện của cơ quan này cũng từng hé lộ tới khả năng đang xây dựng Luật Thuế tài sản để thực hiện theo hướng này. Trong khi nhiều chuyên gia ủng hộ việc đánh thuế nếu có từ 2 đến 3 nhà trở lên, thì ý tưởng này lại vấp phải sự phản ứng từ giới kinh doanh BĐS, nhất là các hiệp hội với lý do "thời điểm chưa phù hợp" hoặc "thị trường cần được hỗ trợ".
Nguồn: batdongsan.com.vn