Dày đặc trên chợ thứ cấp, phải nhắc tới tổ hợp Golden Central Tower của chủ đầu tư Vinaconex 2. Sản phẩm dự án diện tích 48 - 103m2/căn hộ, mức giá giao dịch vào khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2.
Cạnh đó, nhiều căn hộ của tổ hợp chung cư HH (1, 2, 3, 4) của Doanh nghiệp Xây dựng Lai Châu tại khu đô thị Linh Đàm rao bán dày đặc.
Cũng ở địa bàn Hoàng Mai, còn có dự án Hateco Hoàng Mai (của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội) đẩy mạnh ra hàng suốt thời gian qua, giá trung bình khoảng 18 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, còn dự án The One Residence có giá dưới 20 triệu đồng/m2, dự án Eco-Green Nguyễn Xiển…
Các quận Thanh Xuân, Hà Đông cũng đang nổi lên các dự án với tốc độ thi công chóng mặt để bung hàng ra thị trường như: Five Star Garden (Kim Giang); Thanh Hà Cienco 5, ParkViewResidence Dương Nội…
Các quận Mỹ Đình, Nam Từ Niêm, Cầu Giấy… phải kể đến các dự án đã mở bán và chuẩn bị “bung hàng” như: Garden Hill 99 Trần Bình, HD Mon City, Sunquare Mỹ Đình, Complex Phạm Hùng…
Ngoài ra, khu vực phía Tây cũng chứng kiến một số trường hợp dự án cao cấp tăng tốc bán hàng, đẩy mạnh triển khai thi công hoàn thiện. Rõ nhất, là Goldmark City của chủ đầu tư Công ty Việt Hân mới bung thêm 2.000 căn hộ cao cấp thuộc tiểu khu Sapphire.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Hiện nay, có khả năng nhiều doanh nghiệp bất động sản đang định vị sai phân khúc thị trường. Nguồn cung phân khúc bất động sản cao cấp đang quá lớn, trong khi sức hấp thụ có chiều hướng sụt giảm sẽ gây nên hiện tượng bội thực…”.
Theo ông Hiếu, các doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng vào những cơ hội từ chính sách mới và các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp gia tăng nguồn cầu, nhất là nguồn cầu ngoại. Tuy nhiên, TPP phải đến năm 2018 mới đi vào thực hiện, còn số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đến nay vẫn không có chuyển biến lớn.
Còn ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Từ năm 2014, khi thị trường trở lại giá trị thực, người mua không còn tâm lý chờ giá nhà giảm, giao dịch nhà ở TP HCM và Hà Nội từ năm 2014 đến nay liên tục tăng và sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Tín dụng bất động sản năm 2015 đạt 342.000 tỷ, cùng với các dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh… đã góp phần kích thích sự phục hồi của thị trường và phân khúc bình dân, trung cấp vẫn là phân khúc thanh khoản tốt".
Ông Võ cho biết thêm: “Với nhiều căn hộ cao cấp bung hàng mở bán thời gian tới, điều đó chứng tỏ thị trường bất động sản vẫn phát triển theo hướng mất cân đối. Tức là, đa số doanh nghiệp trong ngành có xu hướng “chạy” theo phân khúc dự án nhà ở cao cấp mà bỏ qua những phân khúc tầm trung. Trong giai đoạn 2016 - 2018, ước tính thị trường có nguồn cung đến gần 80.000 đơn vị nhà ở, thì phân khúc cao cấp đã chiếm trên 70%. Dù nhu cầu về nhà ở bình dân đang khá lớn, doanh nghiệp vẫn ít quan tâm đầu tư.”
Không chỉ các chuyên gia bất động sản lo ngại về thị trường sẽ “bội thực” căn hộ cao cấp mà các công ty nghiên cứu thị trường như CBRE hay Savills cũng có cái nhìn khá thận trọng về xu hướng của thị trường căn hộ cao cấp trong thời gian tới. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại khá tự tin. Đại diện một số doanh nghiệp làm dự án căn hộ cao cấp giải thích, nếu làm dự án trung bình thì khó cạnh tranh với doanh nghiệp Nhà nước. Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng đã thay đổi, người mua hiện nay thay vì lựa chọn giá, đã đặt vấn đề tiện ích của dự án lên trên. Ngoài ra, mỗi khu vực có chỉ có từ 1 - 2 dự án căn hộ cao cấp trong khi nguồn cầu vẫn tăng, nên không lo ngại ế hàng trong thời gian tới…